Thăng Long, Hà Nội đô thành,
Nước non ai vẽ nên tranh hoạ đồ.
Cố đô rồi lại tân đô,
Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây.
Thăng Long - Hà Nội tự hào là nơi sinh ra và nuôi dưỡng biết bao anh hùng hào kiệt, những con người đã góp phần gây dựng, bảo vệ bờ cõi suốt bao thế hệ. Hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” và hướng tới Lễ kỉ niệm 70 năm Ngày Giải kphóng Thủ đo (10/10/1954 – 10/10/2024), thư viện trường THCS Đức Thắng xin giới thiệu đến các bạn đọc một cuốn sách vô cùng hấp dẫn có tựa đề "Hoa đất Thăng Long".
Cuốn sách được tác giả Nguyễn Ngọc Phúc biên soạn nhân kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Sách dày 327 trang in trên khổ 14,5 x 20,5 cm do nhà xuất bản Hà Nội phát hành vào quý III năm 2017.
Cuốn sách thu hút bạn đọc ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi dòng chữ đỏ tươi “Hoa đất Thăng Long” – tên của tác phẩm được in nổi bật trên nền vàng với những hoa văn chìm uốn lượn. Thêm nữa chữ “Hoa” được viết một cách điệu đà, tách biệt ở một dòng riêng gợi trí tò mò của bao bạn đọc. Ngay phía dưới dòng chữ là hình ảnh quen thuộc “Khuê Văn Các” - biểu tượng tiêu biểu của Thủ đô, biểu tượng cho vẻ đẹp, văn hóa của một Hà Nội - ngàn năm văn hiến.
Phía trên của cuốn sách là tên của tác giả Nguyễn Ngọc Phúc cùng một biểu tượng rất riêng giúp chúng mình nhận ra ngay đây là một trong những ấn phẩm nằm trong tủ sách Thăng Long 1000 năm
“Hoa đất Thăng Long” của tác giả Nguyễn Ngọc Phúc phác họa chân dung của 27 người con ưu tú của Hà Nội từ đầu thế kỉ XX cho đến nay. Có những người con sinh ra lớn lên trên mảnh đất này, cũng có những người không sinh ra nơi đây nhưng nguyện sống chết vì mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Họ là những người lính, nhà văn, nhà thơ, những người dân... đang ngày ngày cống hiến, góp phần dệt nên những sắc màu cho Thủ đô thân yêu. Họ chính là những bông hoa trong rừng hoa của Thăng Long - Hà Nội; đã cống hiến và đang tỏa sáng trên con đường bảo vệ, xây dựng và phát triển Thủ đô trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như: quân sự, y học, văn học nghệ thuật, giáo dục, kinh tế
Nói đến Người Hà Nội anh hùng, tài trí, dũng cảm trong quân sự có lẽ chúng em không thể quên hình ảnh của một vị tướng mang tâm hồn nghệ sĩ. Các bạn biết không? Vị tướng ấy sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Bắc Từ Liêm chúng mình đó. Ông đã từng bị thực dân Pháp bắt nhiều lần, bị kết án tử hình vắng mặt năm 1945 nhưng vẫn hăng say “Theo con đường của Bác”. Trong vai trò của Chính ủy Chiến khu rồi Cục trưởng Cục chính trị sau đó là đại đoàn trưởng kiêm chính ủy 320, ông đã chỉ huy quân ta giành nhiều thắng lợi. Đặc biệt ông là người đã sáng tạo cách đánh mà sau này gọi bằng một cái tên rất hỉnh ảnh là “Nở hoa trong lòng địch” đem lại hiệu quả chiến đấu cao, làm kinh hồn bạt vía quân thù. Suốt 65 năm hoạt động cách mạng, ông là tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng, nêu cao phẩm chất kiến trung, bất khuất trước quân thù. Ông là một vị tướng tài năng, xuất sắc về quân sự, một nhà chiến lược quân sự, chính trị có uy tín lớn trong quân đội. Các bạn có đoán được vị tướng tài ba ấy là ai chưa? Mình xin bật mí một chút, tên của vị tướng ấy được đặt cho tên của một con đường ở quận Bắc Từ Liêm đó!
Đọc những trang tiếp theo từ trang 26 đến 107 của cuốn sách, các bạn sẽ được thỏa sức tìm hiểu về chiến công hiển hách của các vị đại tướng, thượng tướng, thiếu tướng, trung tướng tài ba - những bông hoa rực rỡ của đất Thăng Long. Các bạn sẽ được “Trò chuyện cùng nhà văn Hồ Phương” – “Ông tướng văn học duy nhất trong quân đội” – Một chiến sĩ trong đội quân “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; được chứng kiến bao chàng trai Hà Nội theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tham gia kháng chiến, thấy được hình ảnh “Chiến sĩ quyết tử năm xưa”, biết được Thượng tướng Hoàng Cầm xung kích như thế nào? Hay “kho báu vô giá về kinh nghiệm chỉ huy” của Đại tướng Lê Trọng Tấn ra sao? Sẽ rất thú vị đó các bạn ạ!
Chắc hẳn các bạn không thể quên phương tiện chiến tranh mang tên máy bay B52 –“thần tượng sức mạnh quân sự của Mỹ”, “con chủ bài của không lực Hoa Kỳ”. Những tên giặc lái B52 của Mỹ huênh hoang, ngạo mạn tin vào sức mạnh của những pháo đài bay B52. Nhưng ngay từ đợt đầu tiên trong cuộc tập kích B52 vào Hà Nội đêm 18/12/1972, lực lượng không quân của ta đã bắn rơi 6 máy bay trong đó có 3 pháo đài bay B52. Trong trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay trong đó có 34 máy bay B52. Vậy vì sao dòng máy bay hội tự tinh hoa và đắt đỏ bậc nhất của không quân Mỹ thời điểm đó lại bị không quân Việt Nam hạ gục trên bầu trời Hà Nội? Đó phải kể đến công lao của các chiến sĩ chống nhiễu B52. Mà người có công lao lớn phải kể tới là vị Trung tướng sinh ra và lớn lên ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội. Để hiểu được rõ hơn về quá trình tìm cách chống nhiễu B52 mời các bạn hãy cùng đọc nội dung “Chinh phục nhiễu B52” từ trang 108 đến trang 120 của cuốn sách nhé!
Song hành với những chiến công hiển hách của các chiến sĩ trên mặt trận quân sự, là sự đóng góp không nhỏ của các văn nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa – văn nghệ như Xuân Thủy, nhà báo cách mạng, học trò ưu tú của chủ tịch Hồ Chí Minh hay Vũ Trọng Phụng một nhân cách lớn trong làng văn, làng báo nước ta, người đã dùng ngòi bút chống lại những xấu xa, bất công ở đời. Đặc biệt, các bạn sẽ “Nhớ Trần Đăng, nhớ “Du lịch cùng cụ Nguyễn”, nhớ “Bài ca người cầm súng” của nhạc sĩ Thanh Trúc, nhớ giai điệu trong những bài hát hào hùng của nhạc sĩ Hoàng Vân như “Hò kéo pháo”, “Quảng Bình quê ta ơi”, hay “Em bé Hà Nội” ... Quý vị hãy cùng tìm đọc từ trang 160 đến trang 216 nhé!
Không chỉ viết về những người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tác giả Nguyễn Ngọc Phúc còn giới thiệu về những nhà khoa học tài năng góp phần không nhỏ trong lao động, kinh tế cũng như chiến đấu bảo vệ quê hương. Ấn tượng nhất với chúng em là giáo sư Đỗ Xuân Hợp – một tài năng lớn của đất nước, một nhà khoa học tầm cỡ Thế giới, Người đầu Tiên được nhận giải Tes Tut của viện Hàn lâm y học Pháp, đồng thời là một nhà hoạt động chính trị có uy tín.
Khép lại cuốn sách là câu chuyện về “Niềm tự hào của người Hà Nội” được tác giả viết bằng tất cả sự chân thành và niềm tin yêu với Thủ đô cũng như con người nơi đây. Quý vị hãy tìm đọc từ trang 228 đến trang 325 của cuốn sách! Ở phần này, tác giả điểm lại những làng nghề truyền thống của Hà Nội; nơi những người Hà Nội giỏi giang, tài năng trong lao động, sản xuất và phát triển kinh tế như cụ Nguyễn Khánh Ký – tổ nghề ảnh làng nghề Lai Xá, ông Đoàn Triệu Nhạn với công lao đưa thị trường café vươn tầm thế giới. Và ấn tượng hơn nữa với chúng em là những câu chuyện kể về ông Triệu Văn Mão – người đã duy trì và phát triển nghề dệt lụa, tạo nên thương hiệu làng lụa Vạn Phúc mà tác giả kể ở trang 278.
“The La, lĩnh bưởi, chồi Phùng
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn”
“Hoa đất Thăng Long” không chỉ hấp dẫn bởi nội dung mà còn lôi cuốn độc giả về nghệ thuật. Qua 27 bài viết với nhiều nguồn tư liệu phong phú, chắt lọc từ hiện thực đời sống; ngôn ngữ nhẹ nhàng, linh hoạt, lời văn dung dị đã dẫn dắt người đọc đến với Thăng Long bằng những câu chuyện, sự kiện giúp chúng ta thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất và con người Thăng Long – Hà Nội. Cuốn sách cũng là món quà tác giả muốn góp thêm một góc nhìn về người Hà Nội hào hoa - thanh lịch - văn minh. Ngoài cuốn sách “Hoa đất Thăng Long”, trong thư viện trường THCS Đức Thắng còn rất nhiều cuốn sách hay viết về Hà Nội yêu dấu như: Kể chuyện ngàn xưa, Thăng Long Hà Nội ; Hà Nội tạp văn; Món ngon Hà Nội; Người Thăng Long....
Kính mời các bạn hãy đến với thư viện trường THCS Đức Thắng để cùng đọc những cuốn sách hay nhé!