Ngay từ khi còn nhỏ, nhiều người mong muốn một lần được đặt chân đến Thủ đô Hà Nội. Những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội chắc hẳn sẽ có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Bởi vậy, Hà Nội đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho các văn nghệ sĩ ở tất cả các lứa tuổi. Nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới Lễ kỉ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), thư viện trường THCS Đức Thắng xin giới thiệu đến các bạn đọc một cuốn sách vô cùng hấp dẫn có tựa đề Văn vật - Ẩm thực đất Thăng Long”
Sách dày 240 trang khổ 13 x 19 cm, do nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành vào năm 2005 của nhà văn Lý Khắc Cung. Sinh ra tại làng Bưởi quận Tây Hồ, nhà văn là người đã viết trên 40 cuốn sách viết về Hà, 15 cuốn sách viết về văn hóa Việt Nam và dịch 29 cuốn sách nước ngoài. Có thể kể đến một số cuốn sách viết về Hà Nội của ông như: Em nghìn thu cũ gái Thăng Long, Chuyện tình Thăng Long – Hà Nội, Hà Nội – văn hóa và phong tục hay Văn vật - ẩm thực đất Thăng Long…
Cuốn sách được bố cục gồm hai phần:
- Phần I: “Văn vật” được viết từ trang 7 đến trang 158
- Phần II: Từ trang 159 đến trang 234 là các bài viết về “Ẩm thực” Hà Nội.
Ở phần đầu tiên “Văn vật” nhà văn Lý Khắc Cung có 33 bài viết giới thiệu cho bạn đọc về thành cổ Hà Nội, về ngôi đình làng, về nghệ thuật chạm khắc ở các đình, chùa, về trang phục nam, nữ đất Hà Thành... Tác giả nói cái hay, đẹp của tranh sơn mài, tranh Đông Hồ, đồ vật thường dùng trong mỗi gia đình xưa - từ cái quạt, cái võng, cái giường nằm đến trang phục của đàn ông, của con gái Hà Nội đầu thế kỷ trước.
Đã có nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu viết về cái cổng làng, mỗi người một cách cảm, cách nghĩ. Lý Khắc Cung khắc họa cổng làng Đông, cổng làng Hồ, cổng làng Thọ ở vùng Bưởi quê ông theo cách riêng: “Có những cổng làng được xây dựng thật hoành tráng với ba cổng tò vò liền nhau. ở những làng có người làm quan to, bên cạnh cổng làng có bia “hạ mã”. Làng có nhiều người đỗ đạt, nhiều quan văn, treo bức hoành để ngợi ca và khuyến học. Có những cổng làng đắp quả bầu trên nóc. Quả bầu này là quả bầu chứa tinh hoa của vũ trụ. Có hình hai con cá hóa long chầu hai bên quả bầu. Bức hoành thường đề chữ Tiểu vi đại (cái nhỏ chính là cái lớn) hoặc hàng chữ Trực đạo nhi hành (đi đường thẳng). Ngắm cái cổng làng, có lúc ta thấy nó dịu dàng như tình mẹ, lúc đỏ rực lên ráng chiều, lúc đăm chiêu dằn vặt. Có lúc nó lại mơ màng sương khói. Cái cổng làng quan sát những điều thánh thiện và cả những điều ma quỷ trong cộng đồng”.
Nhà văn Lý Khắc Cung cũng dành nhiều trang để nói về đời sống văn hóa phong phú của con người, đặc biệt làTrang phục của phụ nữ Hà thành. Chính những bộ trang phục nền nã đã tạo chuẩn mực cho cái đẹp của con gái thời trước “ngực nở, bụng thon, chân dài, đùi ếch” và cuộc thi “Sắc đẹp Hà thành” năm 1932 tại nhà Đấu Xảo. Ngày ấy người ta không được dùng các từhoa khôi, hoa hậu. Lần này, người đẹp số 1 là Nguyễn Thị Tân được bình là tố mỹ, nhã mỹ. Người đẹp thứ hai là cô Síu được bình là khôi mỹ, tráng mỹ. “Thời nào, lúc nào Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cũng có quá nhiều người đẹp và phục trang của ta ngày càng đẹp hẳn lên. Đó là một phần mà người ta không thể không say mê Hà Nội được”.
Đến Hà Nội, bạn đọc không chỉ say với cảnh vật mà còn say với ẩm thực đọc đáo nơi đây. Mở những trang sách sang phần ẩm thực, các bạn sẽ được giới thiệu về những câu chuyện bình dị trong cuộc sống thường nhật của con người nơi đây, từ cái dưa cái cà, tục ăn trầu, đạo uống trà, một bữa yến xưa, bún thang, phở, đến chiếc bánh bèo tiến vua của người làng Thịnh Yên và tiểu sử bà họ Đỗ, tổ sư của nghề bún ốc ở làng Khương Thượng. Ông kể lai lịch món chả cá: “Vào thế kỷ XVIII, đất phố Chả Cá bây giờ còn nằm giữa sông Tô Lịch, người ta đi lại bằng đò. Hai bên bờ sông là chợ bán cá đủ loại. Ăn cá luộc mãi cũng chán, người ta nghĩ đến món cá nướng. Quả là có ngon thật. Dần dà, một số lái buôn đưa món cá nướng vào trong những lều cá ở giữa sông cho kín đáo và tiện mặc cả. Thứ đến các khách văn chương và các cô gái vào loại giai nhân cũng ra các lều nướng cá và ăn trong lều. Chính họ là những người nâng món cá lên đẳng cấp cao hơn: Chả Cá.
Giờ đây, ai có dịp qua các nhà hàng sang trọng, các khách sạn 3-4 sao thấy có món “Cơm niêu” tưởng là “đặc sản” mới, kỳ thực, vào những năm 30-40 của thế kỷ trước, dân Hà thành sài sang thường dùng “nước lọ cơm niêu”. Ông viết: “Thực ra gọi nước lọ cơm niêu cho có vẻ thương cảm một chút. Khách trả cho bữa cơm này hết 7 hào trong khi một đĩa cơm rang thập cẩm gọi là cơm Hoa Kỳ ăn no được ở quán ăn Mỹ Kinh hoặc Đông Hương Viên tại Hàng Buồm thì phải trả có 3 hào”.
Nhà văn Lý Khắc Cung vốn người làng Yên Thái. Mảnh đất ở phía Tây của Hồ Tây lấp lánh huyền thoại, gợi cảm hứng thi ca và bồi đắp cho ông vốn văn hóa phong phú. Đó chính là cái nền vững chắc giúp ông viết nên những trang văn bình dị mà tinh tế. Qua mỗi dòng, mỗi chữ ở tập sách này, ta đều thấy hiện lên những kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý. Chắc chắn cuốn sách sẽ đem đến cho bạn đọc những cảm nhận thật quen thuộc nhưng cũng phát hiện ra nhiều điều thật bất ngờ và bổ ích.
Ngay bây giờ, mời bạn đọc hãy đến với thư viện của trường THCS Đức Thắng để thưởng thức món quà hấp dẫn mà thư viện nhà trường giới thiệu. Hẹn gặp lại các bạn vào buổi giới thiệu sách tuần sau!