Mời các bạn hãy cùng ngắm nhìn những hình ảnh thật đẹp về thủ đô ngàn năm văn hiến. Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây, Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu.
Hà Nội – âm thanh vang lên nghe thật trong trẻo, làm lay động trái tim bao người con đất Việt. Rất nhiều nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ đã tốn không ít giấy mực viết về thành phố ngàn năm tuổi này. Nhiều cuốn sách đã đi vào lòng người đọc, vậy nhưng mỗi cuốn sách lại phác hoạ cho chúng ta thấy “những” Hà Nội rất khác nhau.
Hôm nay đến với hội thi tuyên truyền giới thiệu sách hè, chúng em mang đến một cuốn sách thú vị với tựa đề: “5678 bước chân quanh Hồ Gươm”
Cuốn sách dày 376 trang, in trên khổ 13x20cm do nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2015 chắc chắn sẽ tạo ấn tượng với các bạn ngay từ trang bìa. Nổi bật trên trang bìa là hình ảnh về một Hà Nội xưa nhộn nhịp người, xe. Đặc biệt hình ảnh tàu điện leng keng gợi lại tuổi thơ của không ít người dân Hà Nội.
Phía trên cùng là tên tác giả Nguyễn Ngọc Tiến. Ông sinh ra và lớn lên ở vùng ven nội thành Hà Nội, từng là lính chiến đấu rồi học Lý luận - Biên kịch ở trường Sân khấu Điện ảnh, nhưng nghề báo lại chọn ông. Gần 30 năm làm phóng viên, ông đã đạt được nhiều giải thưởng. Nhưng có lẽ khi viết về Hà Nội, ngòi bút của ông mới thực sự tạo được những dấu ấn sâu đậm.
Chính vì vậy, ông đã trở thành một trong những nhà văn viết về Hà Nội nhiều nhất hiện nay, với những cuốn sách được nhiều bạn đọc biết đến như: “ “Đi dọc Hà Nội”, “Đi ngang Hà Nội”, “Đi xuyên Hà Nội” “Mong manh”, “Mẹ Tư Hồng”, Hay “5678 bước chân quanh Hồ Gươm”
“5678 bước chân quanh Hồ Gươm” chính là cuốn sách khảo cứu đầu tiên về Hà Nội của ông. Cuốn sách đã cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu thú vị ngay từ tên tác phẩm. Vòng quanh Hồ Gươm 5678 bước chân, tác giả rủ rỉ kể cho chúng ta nghe những gì? Chúng mình hãy cùng tìm hiểu nhé!
Các bạn thân mến! Cuốn sách được tác giả chia thành 7 chặng của cuộc bách bộ khám phá ,bắt đầu từ Tượng đài Lý Thái Tổ và kết thúc từ trường Hồ Đình đến báo Nhân dân.
Mỗi chặng đường, tác giả kể cho chúng ta nghe câu chuyện về các di tích, chứng tích gắn liền với các giai thoại. Đan xen là những sự kiện, những nhân vật lịch sử.
Mở đầu, mời các bạn hãy cùng đến với câu chuyện về Hồ Gươm ở trang 7 của cuốn sách nhé. Hồ đã được đổi tên nhiều lần. Mỗi tên gọi đều gắn với một câu chuyện lý thú.
Chắc hẳn các bạn chưa quên truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho Rùa thần sau khi đánh tan giặc Minh, chính thức lên làm vua và gây dựng triều đại nhà Lê thịnh vượng.
Truyền thuyết kể lại rằng, khi Lê Lợi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa chống lại quân Minh, ông tình cờ bắt được thanh gươm Thuận Thiên. Nhờ có gươm báu mà ông thắng trận liên tiếp, lên ngôi vua vào đầu năm 1428. Trong một lần cùng quần thần dạo thuyền trên hồ Lục Thủy, chợt rùa vàng nổi lên, vua tuốt gươm chỉ vào, rùa liền ngậm gươm lặn xuống đáy hồ và không nổi lên nữa. Nghĩ rằng đó là ý trời cho mượn gươm đánh giặc mà nay thiên hạ thái bình nên sai rùa đến đòi gươm. Từ đó, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (hay gọi tắt là hồ Gươm).
Gác lại câu chuyện tên gọi, chúng mình hãy đến với chặng đường đầu tiên của tác giả Từ chùa Báo Ân đến Bưu điện. Trong chặng đường này, chúng mình sẽ được biết về lịch sử xây dựng, hình thành của chùa Báo Ân và Bưu điện Hà Nội. Mình đố các bạn biết điện thoại di động xuất hiện tại Hà Nội vào thời gian nào? Khi mới xuất hiện giá của nó là bao nhiêu? Hãy mở trang… để tìm đáp án nhé!
Các bạn thân mến! Trên con đường bách bộ từ chùa Báo Ân đến Bưu điện, các bạn sẽ còn được nghe kể chuyện về dấu chân của những vị Tổng thống, Thủ tướng. Khách sạn “Đờ La Hiên” Bờ Hồ nằm ở đâu các bạn có không? Mình bật mí cho các bạn một chút nhé! Xưa kia, ở Hà Nội có khá nhiều khách sạn “Đờ La Hiên”. Nghe thật thú vị phải không nào? Vậy các bạn còn chờ gì mà không mở sách để thưởng thức nhỉ!
Hà Nội xưa là đất hoa. Đầu thế kỉ XX, chính quyền thành phố cho xây một dãy kios bán hoa ở góc Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng bên phía hồ Gươm. Dạo bước “Từ kios hoa đến bốt giao thông”, các bạn sẽ được thỏa mãn trí tò mò của mình với những câu chuyện nhỏ về Bách hóa tổng hợp, về phố Hàng Khay, về Hiệu ảnh Quốc tế, về Người tình của vua Bảo Đại hay nghề “phe phẩy”…
Mình muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện nhỏ: Năm 1940, một thanh niên đang dừng lại bên hồ Gươm ngắm cảnh, bỗng có một em bé bị cảm, mắt em chỉ còn lòng trắng. Người thanh niên này tiến lại gần và chỉ bằng những động tác điều khiển bằng tay, một lúc sau bé tỉnh lại. Sự việc khiến mọi người xung quanh vô cùng thán phục. Người thanh niên ấy được lan truyền là thánh sống. Các bạn có muốn biết người thanh niên ấy là ai không? Hãy cùng tìm hiểu trên bước đường “Từ Cụ Trưởng Cần đến cụ già xem bói” để biết rõ hơn nhé!
Tiếp tục nhẹ nhàng bước đi từ bốt Hàng Trống đến công an quận Hoàn Kiếm rồi rảo bước từ “Tương lai Bắc Kỳ” đến “Hà Nội mới” chúng mình sẽ còn thích thú hơn với những câu chuyện về các nhân vật ven hồ như: người may comple cho các chính khách, nhà sưu tập tranh chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam, người Việt chơi đồ cổ đầu tiên ở Hà Nội hay người đàn bà bán nước chè “chạy”…
Các bạn có biết “Ngôi nhà có ma” ở đâu không? Khoảng năm 2000, Hà Nội rộ lên những lời đồn đại ngôi nhà hai tầng số 138 phố Hàng Trống (cạnh khách sạn Phú Gia) có ma. Lại càng đáng tin hơn bởi khi đi qua ngôi nhà ấy ai cũng thấy mặt tiền cũ kỹ, cửa chớp xộc xệch, dương xỉ mọc xanh trên ban công. Vậy thực hư về “ngôi nhà có ma” ấy thế nào? Hãy mở trang 187 của cuốn sách để tìm lời giải các bạn nhé!
Bước đi cùng tác giả chặng đường cuối vòng quanh Hồ Gươm để nghe kể về Nhà Khai Trí Tiến Đức, về Thủy Tạ, Kem Bờ Hồ, Quảng trường Đông Kinh nghĩa thục, về Đền Ngọc Sơn, phở Thìn Bờ Hồ, Cải lương Hà Nội, Những gương mặt thị trưởng… để rồi lắng lại khi nghe tác giả kể về “mưu sinh ở bến tàu điện Bờ Hồ”. Bến tàu là nơi kiếm sống của dân nghèo thành thị, của anh tẩm quất, chị bán dạo, của người khiếm thị hát xẩm. Bởi vậy, ngày nay mới có Tẩm quất Bờ Hồ, Xẩm bờ Hồ, Phở Thìn bờ Hồ, Kem sờ Bờ Hồ. Nếu các bạn tò mò muốn biết, mời các bạn hãy mở sách từ trang 207 đến 361 để cùng tìm hiểu nhé!
Các bạn thân mến! Có thể nói mỗi câu chuyện được kể trong hành trình đi vòng quanh Hồ Gươm của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến đều đầy ắp những hồi ức, những kỷ niệm thuở xưa. Với lối kể chuyện duyên dáng, hóm hỉnh, tác giả đã kích thích trí tò mò khiến độc giả hồi hộp mở hết trang sách này đến trang sách khác. Cuốn sách thực sự đã giúp mình hiểu hơn về lịch sử của những địa danh, văn hóa và truyền thống của người Hà Nội. Đọc cuốn sách chúng mình càng thêm yêu, thêm tự hào về mảnh đất ngàn năm tuổi này.
Kính thưa các quý vị đại biểu, Ban Giám khảo!
Tự hào là học sinh của thủ đô ngàn năm văn hiến, chúng em nguyện không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện, tích cực tham gia các hoạt động tập thể như: tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trồng cây hay tham gia dọn vệ sinh khu vực xung quanh trường, đường phố nơi chúng em sinh sống để góp một phần công sức nhỏ bé của mình nhằm giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội.
Ngay bây giờ, chúng em xin kính mời Ban Giám khảo cùng các bạn hãy đến với thư viện trường THCS Đức Thắng, đến với tủ sách của các tổ dân phố hay thư viện quận Bắc Từ Liêm để thưởng thức món quà hấp dẫn mà chúng em vừa giới thiệu. Ngoài ra, bạn nào muốn làm giàu thêm cho tủ sách riêng của mình, các bạn có thể đến các nhà sách tìm mua nhé!